Đỗ Minh Tâm
Nhắc đến Đỗ Minh Tâm là nhắc đến một trong những họa sỹ tiên phong về trừu tượng của miền Bắc Việt Nam.
Đỗ Minh Tâm sinh năm 1963, tại Hà Nội, không phải con nhà nòi. Cha mẹ anh làm nghề đông y. Nhưng Tâm mê vẽ từ nhỏ và là một họa sỹ được đào tạo bài bản. Năm 1977, mới 14 tuổi, Tâm đã vào hệ trung cấp Mỹ thuật. Năm 1987, Tâm tốt nghiệp hệ đại học. Song song với nghề cầm cọ, Đỗ Minh Tâm còn là một nhà giáo. Anh có 30 năm làm thầy dạy vẽ, từng giữ cương vị Trưởng Khoa Hội họa của Trường Mỹ thuật Việt Nam. Năm ngoái Tâm xin về hưu sớm, để tập trung sáng tác. Anh thú nhận: Sau khi bớt giảng dạy, (chứ không ngưng hẳn vì Tâm vẫn được mời dạy) sáng tác được nhiều hơn. Năm nay, Tâm giới thiệu triển lãm cá nhân thứ 8 “Khúc Đồng Dao”, với những sáng tác trải dài nhiều năm 95, 97, 99, 2000….
Trừu tượng của Tâm có gì khác? “Tôi không theo mốt mà vẽ từ quan điểm, suy nghĩ và những vùng văn hóa mình đi qua”, Tâm chia sẻ. Nếu có dịp thưởng thức tranh trừu tượng của Đỗ Minh Tâm, chắc chắn nhiều khán giả sẽ phải “ồ” lên ngạc nhiên: Thì ra trừu tượng không khó hiểu mà rất gần gũi. Nếu là phụ nữ, chắc chắn bạn sẽ mỉm cười như gặp khoảnh khắc nào đó của chính mình qua tác phẩm “Ghen”. Bạn cũng đồng cảm với tác giả trong “Đối thoại với mưa”, lại nao nao với cảnh đồng quê, đình chùa, đậm đà phong vị văn hóa Bắc Bộ, nuối tiếc những bài hát dân gian hình như chỉ còn vang vọng trong “Khúc Đồng Dao”, nhớ thương bóng hình “người muôn năm cũ” khi cùng Đỗ Minh Tâm lưu luyến “Ngày xửa ngày xưa”… Tâm rõ ràng được giàu có nhờ văn hóa nguồn cội. Tranh của Tâm gợi nét hoài cổ. Anh chia sẻ: Mê chữ Phạn, thích Kinh Phật từ rất lâu. Tranh trừu tượng của anh khó lẫn còn bởi nó được cách điệu trên tinh thần chữ Phạn.
Khó tính như Đoàn Văn Nguyên cũng không thể tiết chế lời khen với Đỗ Minh Tâm: “Với dòng trừu tượng á? Gã là một trong những tay khá nhất đấy, xứng đáng xếp hạng A. Là nhân vật có chất nghệ sỹ. Người có tư tưởng vị nghệ thuật chứ không phải mấy ông kiếm ăn đơn thuần đâu nhé. Hạnh phúc nhất của Đỗ Minh Tâm là vừa làm nghệ thuật và được sống bằng nghệ thuật”. Quan điểm của Tâm: “Mình vẽ tranh đâu phải để kiếm tiền, đầu tiên mình phải yêu tranh của mình đã”.